Ảo Tưởng “Không Cần Bằng” Và Những Kẻ Sống Trong Mơ

Con đường ngắn nhất để đến với thành công là thông qua việc học. Bất kể bạn có chọn việc học của mình theo cách như thế nào, thì nó vẫn là một thứ không thể phủ nhận.

Ảo Tưởng “Không Cần Bằng” Và Những Kẻ Sống Trong Mơ

Ảo Tưởng “Không Cần Bằng” Và Những Kẻ Sống Trong Mơ

19/08/2021 - Danh mục Tin tức, Tin Bất Động Sản

Sống trong thời đại này, tôi thật không dám phủ nhận thành công có thể đến với các bạn dễ dàng hơn lớp cha, anh, những người đi trước.

Công nghệ ngày càng phát triển, giúp chúng ta có nhiều cách và dễ dàng hơn để tiếp cận được với kiến thức, cũng như cơ hội phát triển nghề nghiệp mà thậm chí không cần đến tấm bằng đại học.

Thực sự, dù bạn tốt nghiệp cấp một, hay cấp hai, miễn là bạn làm được thì đều đáng nể hơn gấp trăm lần những ông trình độ thạc sĩ, tiến sĩ mà chẳng giúp ích được gì cho xã hội.

Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng: “Chúng ta có thể không cần bằng, nhưng nhất định phải có tài năng.”

Vậy tài năng từ đâu mà có?



Trừ những bạn bẩm sinh đã có năng khiếu đặc biệt, hoặc là thiên tài, thì tôi nghĩ bất cứ một ai trong chúng ta được coi là có “tài năng” đều dựa vào sự chăm chỉ học tập và rèn luyện không ngừng.

Đừng lôi những thứ trong sách vở ra để tranh luận với tôi về thực tế ở ngoài đời. Sự phát triển của xã hội như đã nói ở trên, kéo theo đó cũng là sự cạnh tranh không ngừng về mọi thứ.

Từ chất lượng, đến mẫu mã bao bì sản phẩm trong kinh doanh thương mại. Đến cạnh tranh để có được sự góp mặt của nhân tài và song song với đó, cũng là sự đào thải dành cho những cá nhân “không thể định hình được bản thân mình là ai.”

Hôm nay, tôi sẽ viết bài này cho những bạn đang mắc chứng “ảo tưởng không cần bằng,” mà thực lực hoặc tài năng thì thực sự chẳng có.

Bạn thân mến,
Con đường ngắn nhất để đến với thành công là thông qua việc học. Bất kể bạn có chọn việc học của mình theo cách như thế nào, thì nó vẫn là một thứ không thể phủ nhận.

Ở đây tôi không nói đến “giá trị của tấm bằng,” mà tôi sẽ nói đến người đang cật lực với nó.

Bởi chúng ta kỳ thực không phải là cái danh hiệu cử nhân, thạc sĩ, trưởng phòng, hay giám đốc, vì danh hiệu chẳng nói lên được điều gì về bạn cả. Những gì mà bạn đã làm, đang làm và sẽ làm được mới thực sự là thứ định nghĩa bạn là ai trong xã hội.

Bản thân tôi thực sự rất tôn trọng và đánh giá cao những bạn nào đã nỗ lực vượt qua khó khăn, kiên trì và nỗ lực để vào được đại học. Rồi sau đó tiếp tục phấn đấu không ngừng nghĩ và tốt nghiệp loại ưu.

Vì đơn giản là chính tôi, người đã bỏ học giữa chừng bởi chứng bệnh ảo tưởng, đã phải trả giá rất đắt mới có thể nhận ra những lầm tưởng của bản thân về năng lực thực sự của chính mình. Có thể khẳng định với bạn rằng:

“Sở hữu cho mình một tấm bằng, là điều rất quan trọng.” Vì nó là cách đơn giản nhất để chứng minh, bạn thực sự có năng lực học tập và tiềm năng phát triển trong tương lai.

Khi nhìn lại quá khứ, có những thời điểm một người từng bỏ học để khởi nghiệp như tôi cũng gặt hái được một số thành công nhất định trong sự nghiệp. Nhưng bạn biết không, vấn đề luôn nằm ở chỗ: “chúng ta làm thế nào để đứng dậy sau khi gặp phải thất bại.”

Ví như tôi, học đến năm hai, mở công ty làm giám đốc ba năm liền, thì sau khi vấp ngã, chẳng thể nào làm được gì, dù chỉ là một nhân viên bình thường trong tổ chức rồi đấy.

Xin phép được tự cười nhạo chính mình trong khoảng thời gian ấy và quay trở lại bài viết này.

Tôi không hề gay gắt quá với các bạn!

Vì rõ ràng cuộc đời này vốn là một dòng chảy không ngừng, chẳng ai cùng tắm hai lần trên một dòng sông, bởi thế mà chúng ta cũng không ngừng chuyển động. Nên tôi cũng không đứng hẳn về phía những bạn chỉ biết ôm khư khư tấm bằng trên kệ giá mà khi bước ra đời thì thực sự chẳng làm nên được trò trống gì cả.

Trong bài viết này, quan điểm rõ ràng nhất mà tôi muốn nhấn mạnh là: “Sự tỉnh táo khi vào đời dành cho những bạn trẻ.”

Thành công là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng nghỉ, nên đừng chỉ ôm lấy tấm bằng rồi chỉ biết khoe khoang tự hào về nó.

Còn những bạn không có điều kiện ăn học, hoặc cũng mắc phải những lầm tưởng của tuổi trẻ như tôi, thì các bạn cũng biết rồi. Những người như chúng ta càng phải cố gắng hơn thế nữa.

Ở đây, tôi hoàn toàn không có ý muốn bào chữa cho bản thân mình, tôi chỉ muốn cảnh tỉnh cho một số bạn có lẽ là vẫn còn đang lầm tưởng quá nhiều vào bản thân.

“Muốn chứng minh điều gì, hãy dành lấy thành công trước khi tự khẳng định.”

Nếu chỉ sống trong mơ, bạn không cần nỗ lực.