Tôi là một trong số ít những người, có thể nói, là vừa hướng ngoại lại vừa hướng nội. Chính vì thế mà hầu như tất cả những người từng tiếp xúc qua, đều đánh giá tôi là một kiểu người cực kỳ khó hiểu.
Để cho bạn dễ dàng bắt kịp nội dung, thì tôi sẽ bổ sung vào bài viết thêm vài dòng giới thiệu về những điều mà khá nhiều bạn đã biết.
Công việc chính của tôi là Lập Trình. Một gã I.T không chỉ thuần tuý làm việc cùng Logic học, mà còn có thể tuỳ ý văn thơ lai láng, thì rõ ràng bạn cũng đã thấy được những diễn biến tâm lý phức tạp trong con người tôi rồi đó.
Cái gọi là bản lĩnh nhận thức thực sự hơn người, tôi không có. Nhưng thật chẳng rõ làm sao và như thế nào, tôi lại học được cách kiểm soát nội tâm đạt đến trình độ lão luyện.
Bởi thế nên nhiều kẻ không thuận mắt, thường gắt gỏng mắng tôi “mặt dày” rồi ngắt ngang cuộc trò chuyện để tỏ rõ sự bất lực. Khi thấy tôi cứ trơ ra không một chút biểu hiện nào qua nét mặt là sẽ phản ứng lại với những lời công kích của họ.
Nghe vậy tôi chỉ thấy có chút buồn cười trong dạ.
Lâu dần thì người ta cũng sẽ quen. Thái độ phục tùng thông thường sẽ thể hiện qua những câu nói kiểu như, “tính nó vậy.” Lại một lần nữa khiến tôi cảm thấy buồn cười.
Thật không quá khoa trương khi nói rằng: “Thái độ lạnh lùng chính là chiếc chìa khoá vạn năng giúp bạn đạt được mọi thứ mà mình muốn.”
Khác biệt với những hình mẫu hướng ngoại thân thiện, hoà đồng, dễ bắt chuyện và rất nổi bật trước đám đông. Những người có vẻ ngoài lạnh lùng, trầm lặng luôn tạo ra sự lôi cuốn thu hút đối phương một cách rất thần kỳ.
Vì thật sự trong cái xã hội mà mọi người tranh nhau để nói không ngừng này, thì sự tĩnh lặng của một cá thể nào đó bỗng trở nên khác biệt thật sự cũng chẳng có quá nhiều bất ngờ.
Nếu có ai đó hỏi tôi, là người hướng ngoại, hay hướng nội. Tôi sẽ chẳng bao giờ trả lời trực tiếp mà chỉ để cho họ có thêm thời gian tiếp xúc rồi tự mình đánh giá. Dù kết luận có là gì, tôi nghĩ, họ đều đúng cả.
Chỉ là đôi khi con người ta thường hay nhầm lẫn giữa thái độ ứng xử của một người với mình và bản chất thực sự của con người ấy. Thái độ của tôi đối với bạn chưa hẳn là con người tôi, mà nó đơn thuần chỉ phản ánh những đánh giá nhất định của tôi về con người bạn.
Thêm thời gian không có nghĩa là chỉ mình bạn quan sát. Chỉ có điều, hầu như tất cả chúng ta đều mù quáng tin rằng bản thân mình là một cá thể khác biệt, là duy nhất trong vũ trụ bao la rộng lớn này. Vậy nên luôn lấy mình làm trung tâm để quan sát mọi thứ, cũng như đánh giá sự vật, con người, theo góc nhìn hạn hẹp của mình.
Chính điều đó gây ra không ít sự nhầm lẫn trong mối quan hệ giữa con người và con người với nhau.
Dễ thấy nhất là khi bạn bắt đầu một mối quan hệ tình cảm. Chúng ta vì liên tục để cho những cảm xúc của mình hướng về phía đối phương mà đưa ra những nhầm tưởng đánh giá sai lầm. Phải mất thêm một thời gian, với một số người là vài tháng, còn một số khác thậm chí là nhiều năm hoặc cả đời.
Đến một lúc nào đó họ mới vỡ lẽ ra, bản thân ngay từ đầu vốn dĩ chưa bao giờ chọn đúng. Cũng phải, vì kỳ thực chẳng có bất cứ một ai, là hợp nhau hoàn toàn.
Con người vốn dĩ là những cá thể độc lập có tư duy và những suy nghĩ đó sẽ thay đổi theo thời gian. Nó còn tuỳ thuộc vào bối cảnh sống, trải nghiệm, tiếp xúc và quá trình rèn luyện của mỗi người mà phát triển nhanh hay chậm khác nhau. Không phải là chúng ta lựa chọn sai ngay từ đầu. Mà là, chúng ta thực sự đã quên mất việc đánh giá lại một người qua những khoảng thời gian và giai đoạn nhất định.
Rõ thấy nhất, là quan điểm của một người phụ nữ chưa lập gia đình và đã có, họ suy nghĩ khác biệt nhau hoàn toàn.
Những ngày còn tuổi xuân mộng mơ, chỉ cần đối phương có chút vẻ ngoài và biết quan tâm là đủ. Sau này, khi đã có công việc ổn định, thì trông đợi nhiều hơn ở đối phương vào khả năng tài chính. Còn phụ nữ đã lập gia đình thì mong muốn ở bạn đời tính ổn định về mọi mặt.
Và một vết cắt trong tim chính là sang chấn tâm lý khiến con người ta thay đổi mạnh mẽ nhất. Hoặc những nốt thăng trầm trong sự nghiệp cũng gây ra chấn động mạnh tạo ra sự thay đổi tương tự như vậy.
Thật chẳng biết may rủi thế nào mà cách đây không lâu, tôi cùng lúc phải đối mặt với với hai sự kiện liên tiếp đến trong cùng một thời điểm. Chính điều đó đã tạo ra những biến động mạnh khiến tôi thay đổi từ một hình mẫu hướng ngoại điển hình, sang hướng nội tập trung có chủ đích.
Một chút điểm lại quá khứ huy hoàng, trong trầm lặng, tôi một mình quan sát lại bản thân để đưa ra những đánh giá chân thực nhất về con người mình. Và thông qua việc ghi chép lại những dữ liệu như một thói quen của người làm kỹ thuật. Tôi phát hiện ra mình có khả năng viết lách.
Vẫn là tôi không có quá nhiều chuyển biến, chỉ đơn giản là tôi thay đổi cách truyền đạt nội dung từ nói sang viết mà thôi.
Khi còn tiềm lực, người khác nghe tôi nói. Trong lúc cô đơn, tôi viết để thấu hiểu chính mình và chia sẻ nó cho những ai cần đến.
Trọng tâm bài viết này cũng chỉ có như vậy.
Thông qua việc giãi bày một góc nhỏ trong suy nghĩ cá nhân. Tôi muốn nhắn nhủ đến những ai dù là đang lặng lẽ quan sát, hay đã bắt đầu phản ứng gay gắt kịch liệt, rằng: “Tôi cần thêm thời gian hồi phục.”
Trong trầm lặng, rất có thể tôi sẽ lại tiếp tục bùng nổ, hoặc tử vong.
Viết đến đây, trong lòng tôi chỉ còn chút thắc mắc nhỏ: “Cuộc sống là của tôi, đối với những kẻ phán xét kia tại sao lại trở nên quan trọng đến như vậy?”